Hội thảo chuyên đề về Quy trình tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình”

Hội thảo chuyên đề về Quy trình tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình

      Vừa qua, phối hợp với Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc, Ủy ban nhân dân xã Thái Đô và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Thái Bình tổ chức Hội thảo về Quy trình tạo lập, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, sử dụng và bộ phận nhận diện thương hiệu mang nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình”.

Ts.Vũ Việt Hà – Khoa Chăn nuôi thú y – chủ trì khai mạc Hội thảo

     Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, là đơn vị chủ trì đề tài Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình “Tạo lập, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình” tổ chức buổi hội thảo.

      Tham gia buổi hội thảo có đại diện Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thái Thuỵ và đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã và các hợp tác xã, tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác và kinh doanh mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình trên địa bàn tỉnh Thái Bình tham dự.

      Tại hội thảo, TS. Phan Văn Khải – Khoa chăn nuôi thú y, trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc trình bày báo cáo về Quy trình Quy trình tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình”, gồm các bước tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình; giới thiệu bộ nhận diện thương hiệu và bộ sản phẩm có in hình Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình như: Túi đựng, logo, tem chứng nhận, nhãn sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình…

     Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Thái Bình giới thiệu Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình” gồm có gồm 6 chương 27 điều. Quy chế này quy định chung việc quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

       Ngoài ra, các đại biểu đã góp ý về nội dung văn bản cũng như hình ảnh sử dụng cho bộ nhận diện cần mang tính đặc trưng của “Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình” nhằm phát huy giá trị thương hiệu, đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình đến người tiêu dùng. Đồng thời phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát và truy xuất thông tin khi cần thiết, góp phần nâng cao giá kinh tế và phát triển thị trường, mang lại lợi ích cho người nuôi, khai thác và kinh doanh dùng chung nhãn hiệu,… Các ý kiến được đơn vị tư vấn tiếp thu, thực hiện.

       Hội thảo là hoạt động đầy ý nghĩa của nhóm thực hiện đề tài Khoa học thuộc Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc tổ chức, góp phần giúp người dân, hộ nuôi, chủ cơ sở khai thác và kinh doanh mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình thấy được tầm quan trọng, quy trình tạo lập nhãn hiệu và phát triển thương hiệu để từ đó nâng cao vị thế của thương hiệu Mật ong rừng Sú Vẹt Thái Bình ở thị trường trong và ngoài nước.

TS. Thị Thu Hương,

Phòng Kiểm định – KHHTQT