TẤM GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ CỦA
TRƯỜNG CAO ĐẲNG NÔNG LÂM ĐÔNG BẮC
Quảng ninh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, với điều kiện tự nhiên vô cùng đa dạng và phong phú, được ví như một Việt Nam thu nhỏ, có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi và biên giới. Quảng Ninh cũng là một trọng điểm kinh tế của cả nước, là một mũi nhọn của vùng kinh tế phía Bắc. Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, Quảng Ninh xác định mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng trưởng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ là yếu tố quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh. Do đó, bên cạnh từng bước nâng cao tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, tỉnh tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, công tác đào tạo nghề nông thôn được xác định là một giải pháp quan trọng.
Tuy nhiên, từ khi tiến hành công nghiệp hoá-hiện đại hoá, nhiều diện tích đất nông lâm nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng, các khu công nghiệp, khu đô thị….Điều này đã làm cho nông dân ở nhiều nơi của tỉnh Quảng ninh lâm vào tình trạng thiếu hoặc không có việc làm, đời sống khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của tỉnh. Mặt khác, do đặc thù của ngành nghề liên quan đến Nông Lâm nghiệp đã khiến cho các ngành nghề lĩnh vực này chưa có được sức hút, cũng như một bộ phận không nhỏ các đối tượng trong độ tuổi lao động không có được “hứng thú” và sự quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, xác định một cách đúng đắn được vai trò và định hướng phát triển trường cao đẳng nghề có đào tạo liên quan đến Nông Lâm nghiệp là vô cùng quan trọng, góp phần đẩy mạnh vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Nắm bắt được xu hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trường Cao đẳng Nông lâm Đông bắc đã chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn ngành nghề, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện, thế mạnh của tỉnh Quảng ninh. Với đội ngũ giáo viên lành nghề, trang thiết bị, cơ sở vật chất thoả mãn được yêu cầu đào tạo nghề. Hàng năm, nhà trường đã đào tạo ra lớp lớp thế hệ học sinh sinh viên ra trường có kiến thức cũng như tay nghề bước đầu đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Trong các thế hệ học sinh sinh viên tốt nghiệp của nhà trường, có không ít các em HSSV thành công trong công việc sau khi học nghề. Không thể không kể đến tấm gương điển hình trong công tác đào tạo nghề của trường Cao đẳng Nông lâm Đông bắc là em Đinh Đức Chính, sinh viên chuyên ngành Trồng trọt và bảo vệ thực vật, khoá học 2016-2018.
Theo chia sẻ của em Đinh Đức Chính, sau nhiều ngày trăn trở, suy nghĩ tìm hướng đi trong phát triển kinh tế, năm 2016, em Chính quyết định đăng ký tham gia lớp học nghề Trồng trọt và bảo vệ thực vật tại trường Cao đẳng Nông lâm Đông bắc. Trong quá trình học, nhờ sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, em đã đạt được những thành tựu đáng kể: giải nhất thi tay nghề cấp Tỉnh năm 2018, giải nhất thi tay nghề cấp Bộ năm 2018. Hai năm sau, từ kiến thức và tay nghề được học trong Trường, em Chính bắt đầu khởi nghiệp phát triển kinh tế trang trại tại Thôn 3-Xã Hiệp hoà-Thị xã Quảng yên. Cùng với 4 sào đất của gia đình để phát triển kinh tế, rồi dần dần mở rộng diện tích lên 5.000 m2 như bây giờ. Đến nay, ngoài diện tích đất của gia đình, gia đình em còn thuê thêm 1.500m2 đất khu vực xung quanh.
Với kiến thức được học trong trường cùng với kinh nghiệm học hỏi được từ thực tiễn cộng thêm công sức và đôi bàn tay lao động bền bỉ, em Chính cùng gia đình đã biến vùng đất sản xuất kém hiệu quả thành vùng đất màu mỡ, trù phú, được nhiều người biết đến. Hiện nay, vườn cây rau màu ăn quả của gia đình em có nhiều loại như đu đủ, bầu, bí, măng tây, cà chua, mướp…, cùng với mô hình trông nấm cho thu hoạch quanh năm.
Diện tích đất trồng rau màu chiếm 2000m2, các loại cây trồng được em và gia đình trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên cho thu nhập cao. Ngoài rau màu, gia đình em còn trồng thêm các loại hoa quả theo mùa vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, mô hình nuôi cá truyền thống vẫn được gia đình em duy trì từ khi khởi nghiệp đến nay và được mở rộng lên 2.500m2. Bên cạnh đó là mô hình trồng nấm rơm cho thu nhập cao. Với nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng nấm, gia đình em trở thành địa chỉ cung cấp nấm uy tín, tin cậy, được nhiều người đến đặt mua.
Một số hình ảnh cây trồng trang trại gia đình em Đinh Đức Chính
Cùng với cây ăn quả, rau màu, cá và nấm rơm, những năm gần đây, gia đình em Chính trồng thêm măng tây thương phẩm – loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, được ưa chuộng và giá thành phẩm rất cao trên thị trường để tăng thu nhập cho gia đình.
Mô hình trồng nấm mang lại thu nhập cao cho gia đình em Chính
Mô hình trồng cây măng tây tại gia đình em Chính
Từ nguồn vốn vay ít ỏi ban đầu, qua nhiều năm phát triển theo hình thức lấy ngắn nuôi dài, đến nay theo tính toán của em Chính và gia đình, trừ mọi chi phí, mỗi năm thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, em Chính cho biết: “Điều đầu tiên của người làm nông nghiệp là chăm chỉ, không ngại khó, không ngại khổ. Cùng với đó, phải năng động, sáng tạo, chủ động nắm bắt thời cơ trong sản xuất, chăn nuôi và tìm kiếm thị trường tiêu thụ thì mới không bị thua lỗ”.
Công việc tuy vất vả, em thường xuyên phải thức khuya dậy sớm để chăm sóc, thu hoạch sản phẩm nhưng bản thân em Chính vẫn tích cực tham gia các buổi sinh hoạt địa phương nơi em sinh sống. Em Đinh Đức Chính không chỉ là tấm gương điển hình hiệu quả trong công tác đào tạo nghề của trường Cao đẳng Nông lâm Đông bắc, mà em còn là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Em Đinh Đức Chính xứng đáng là tấm gương sáng để các em học sinh sinh viên học tập và noi theo.
Thông tin người viết:
- Nguyễn Thị Thuý
Phòng Kiểm định-Khoa học và Hợp tác quốc tế
Trường Cao đẳng Nông lâm Đông bắc