Thủy tùng còn gọi là thông nước, tên khoa học là Glyptostrobus pensilis, xuất hiện cáh đây khoảng 10 triệu năm; là loài cây gỗ lớn, cao tới 25m, đường kính nhiều cây trên 1,3m. Thủy tùng được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới thuộc nhóm IA, có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường, đang có nguy cơ diệt chủng cao. Hiện trên thế giới chỉ còn tồn tại 2 quần thể thủy tùng mọc tự nhiên với gần 150 cây con sót lại. Nhóm các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã thực hiện điều tra, nghiên cứu quá trình sinh trưởng cũng như công tác bảo tồn thủy tùng. Kết quả cho thấy: các quần thể thủy tùng còn lại tồn tại theo dạng quần thể nhỏ, mật độ 40 – 50 cây/1.000m2 khiến sự giao thoa thụ phấn không thể thực hiện; các quần thể thủy tùng này cũng đang bị thoái hóa nghiêm trọng, môi trường sống bị biến đổi khiến các cây thủy tùng còn lại không thể sinh trưởng, phát triển nên có nguy cơ chết dần. Hiện tại, do công tác bảo vệ không tốt nên vẫn xảy ra tình trạng chặt trộm cây sống, khiến nguy cơ tuyệt chủng càng cao hơn.
Theo thạc sỹ Trần Vinh, Chủ nhiệm đề tài khoa học nói trên, mặc dù đã đạt được một số kết quả khả quan trong việc nhân giống vô tính thủy tùng, nhưng đây cũng chỉ là những nghiên cứu bước đầu được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Để việc bảo tồn, nhân giống thủy tùng có hiệu quả thì cần một đề tài cấp nhà nước, một dự án đủ lớn cả về tài chính lẫn khoa học kỹ thuật và phải bảo tồn những quần thể gốc còn lại thì mới có thể cứu vãn được thủy tùng trước nguy cơ tuyệt chủng./.