Trong khi đó, ở Việt Nam, giá một loạt những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, hạt điều, tiêu…cũng đang tăng mạnh, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này trong hai tháng đầu năm tăng gần 51% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng trị giá 3,6 tỉ đô la Mỹ.
Thành quả trên của ngành nông nghiệp có ý nghĩa không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời điểm khó khăn hiện nay. Nông sản bán được giá giúp cho nông dân, lực lượng chiếm hơn hai phần ba dân số Việt Nam, có thêm điều kiện để chống chọi với những tác động tiêu cực của việc tăng giá những sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, tạo nền tảng ổn định về xã hội. Ngoài ra, thành quả của lĩnh vực nông nghiệp còn là nguồn trợ lực quan trọng cho cuộc chiến chống lạm phát, giảm nhập siêu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Trong hơn một thập niên qua, nền kinh tế Việt Nam đã liên tiếp trải qua những giai đoạn khó khăn. Đầu tiên là tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực châu Á, rồi đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Còn ở trong nước, những bất ổn kinh tế vĩ mô trở thành mối đe dọa thường trực.
Điều đáng quan tâm là giữa lúc các ngành công nghiệp và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, thì nông nghiệp vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng cao và ổn định. Sự vững vàng của ngành nông nghiệp, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế, cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này và đó có thể là chìa khóa để kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng bền vững, có sức đề kháng cao trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Theo tính toán của FAO, đến năm 2050, sản lượng lương thực của toàn thế giới phải tăng ít nhất 70% so với hiện nay mới đủ để nuôi sống dân số lên đến 12,5 tỉ người. Đây là mục tiêu khó. Khoa học và công nghệ có thể làm tăng sản lượng cây trồng, nhưng khó có thể bù đắp được sự mất mát do diện tích canh tác bị sụt giảm để nhường chỗ cho đô thị hay do bị sa mạc hóa, bị biển lấn…
Trở lại Việt Nam. Hiện nay diễn biến giá cả thị trường thế giới thuận lợi đang mang lại hy vọng một năm thắng lợi cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều hiểm họa. Đó là tình trạng hạn hán có thể sẽ rất nghiêm trọng trong những tháng tới; là sự xâm nhập mặn ngày càng sâu vào nội địa, đe dọa hàng trăm ngàn héc ta đất trồng lúa ở ĐBSCL; là khả năng bị mất trắng mùa màng do bão, lũ và nguy hiểm nhất là tác động của biến đổi khí hậu.
Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là để bảo đảm đủ nhu cầu trong nước và nâng cao vị thế của một nước xuất khẩu lương thực trong tương lai, Chính phủ cần có chiến lược đầu tư tương xứng cho lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, cần cấp bách đầu tư để giải quyết hoặc chí ít là giảm nhẹ ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn, nghĩa là cần đầu tư mạnh hơn cho thủy lợi.
Cùng với thủy lợi, việc nâng cấp và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn, nhất là hệ thống đường bộ, cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nông nghiệp và đời sống của người dân nông thôn. Cơ sở hạ tầng tốt là điều kiện thuận lợi để nông dân giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập, từ đó mới có cơ hội tiếp thu và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật canh tác hiện đại để tăng năng suất.
Ngoài ra, còn một lĩnh vực rất quan trọng mà Nhà nước phải làm, đó là đầu tư cho nghiên cứu để cải tạo chất lượng giống cây trồng. Hiện nay, dù thu nhập của nông dân Việt Nam rất thấp nhưng không ít sản phẩm làm ra lại không thể cạnh tranh về giá với nông sản đến từ những nước phát triển. Nghịch lý này một phần là do chất lượng giống kém nên năng suất thu hoạch thấp.
Trong hơn ba năm qua, Chính phủ đã dành ngày càng nhiều ngân sách hơn để đầu tư cho nông nghiệp và khu vực nông thôn. Thế nhưng, những nỗ lực đó vẫn chưa đủ. Bằng chứng là khu vực ĐBSCL, nơi sản xuất ra lượng gạo và thủy sản xuất khẩu lớn nhất nước, lại là một trong những vùng có hệ thống giao thông đường bộ, giáo dục kém nhất.
Thực tế đã cho thấy, nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư có thể mang lại hiệu quả cao, cả về kinh tế lẫn xã hội. Đầu tư để tạo nền tảng tốt cho nông nghiệp phát triển, để lưu thông hàng hóa được thuận tiện còn là giải pháp hiệu quả để xóa đói giảm nghèo.
Sẽ là sai lầm nếu cho rằng, xây ở tỉnh này một nhà máy lớn, ở tỉnh kia một công trình công nghiệp khổng lồ hay bằng mọi cách xây dựng ở nông thôn những cơ sở sản xuất công nghiệp, như đã từng xảy ra với phong trào xây nhà máy đường, xi măng, gạch ốp lát và nhà máy chế biến rau quả… mới là tạo điều kiện cho nông thôn thoát nghèo và phát triển, dù điều kiện khách quan không thuận lợi. Làm như thế không chỉ tăng tính rủi ro về kinh tế cho bản thân dự án, mà còn phương hại đến toàn bộ nền kinh tế.